Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD; cán cân thương mại xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa suy giảm
Quý I/2023, bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Cụ thể, ở chiều xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 14,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 16%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 14,4%.
Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.
Trong quý I năm 2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%.
Nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, tăng 18,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Ba giảm 11,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13%.
Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.
Trong quý I năm 2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).
Hàng hóa nhập khẩu về vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước khi nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng quý I chỉ đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Tiếp sau là Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong quý I năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vẫn mang lại hiệu quả tích cực khi xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD. Con số này cho thấy EU vẫn là thị trường lớn và đầy tiềm năng của hàng hóa Việt Nam.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Bộ Công Thương tích cực tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu
Trước những diễn biến khó lường của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 – 8%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu đó, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn; phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, tạo sự đột phá như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái, hàng hóa môi trường và các bon thấp…
Bên cạnh đó, phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương. Cụ thể, trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực.
Tiếp tục nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các bon thấp, lao động và công đoàn. Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương. Phát triển các vùng, địa bàn xuất khẩu mới gắn với quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng tập trung chuyên môn hóa.
Xem thêm: Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023