Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 14,04 triệu USD, giảm 35% so với tháng 12/2022, giảm 58% so với tháng 1/2022.
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ giảm mạnh
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 14,04 triệu USD, giảm 35% so với tháng 12/2022, giảm 58% so với tháng 1/2022.
Tháng 1/2023, xuất khẩu các chủng loại gốm sứ mỹ nghệ đều giảm mạnh so với tháng 12/2022 và giảm mạnh so với tháng 01/2022. Cụ thể: Chậu gốm sứ vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 01/2023, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của cả nước, đạt 9,96 triệu USD, giảm 37,2% so với tháng 12/2022 và giảm 59,7% so với tháng 01/2022.
Xuất khẩu gốm sứ trang trí trong tháng 1/2023 đạt 2,96 triệu USD, giảm 22,8% so với tháng 12/2022 và giảm 55,4% so với tháng 1/2022. Xuất khẩu gốm sứ gia dụng trong tháng 1/2023 đạt 955 nghìn USD, giảm 36,9% so với tháng 12/2022 và giảm 42,5% so với tháng 01/2022.
Về thị trường xuất khẩu, tháng 1/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 4,76 triệu USD, giảm 39,7% so với tháng 12/2022 và giảm 58,5% so với tháng 1/2022.
Theo thống kê của Eurostat, nhập khẩu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ (HS 6911, 6912, 6913, 6914) của EU từ Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 tăng mạnh, đạt 114,57 triệu EUR, tăng 46,1%; trong đó, Ai Len là thị trường mà mặt hàng này của Việt Nam có thị phần lớn nhất, khi chiếm 5,58% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Ai Len; tiếp đến là Đan Mạch (5,17%), Pháp (4,05%), Italia (3,7%)…
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường này trong tháng 1/2023 đạt 5,78 triệu USD, giảm 36,2% so với tháng 12/2022 và giảm 55,5% so với tháng 01/2022.
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ (HS 6911, 6912, 6913, 6914) của Mỹ tăng liên tục trong giai đoạn 2018 – 2022, với tốc độ bình quân đạt 6,8%/năm, kim ngạch năm 2022 đạt 2,65 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường cung cấp chủ yếu mặt hàng này cho Mỹ, khi chiếm tới 70% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ.
Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho Mỹ, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2018 – 2022 đạt 12,1%/năm, cao hơn mức tăng trưởng 6,9%/năm của Trung Quốc.
Trong đó, gốm sứ trang trí và các loại tượng nhỏ (HS 6913) là chủng loại được Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam (chiếm gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ từ Việt Nam); và đây cũng là chủng loại gốm sứ mỹ nghệ mà Việt Nam có thị phần lớn nhất tại Mỹ, khi chiếm 13,1% tổng trị giá nhập khẩu chủng loại gốm sứ mỹ nghệ này của Mỹ trong năm 2022, đạt 97,11 triệu USD, tăng 14,5% so với năm 2021.
Kể từ quý IV/2022 đến nay lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như Mỹ, EU tăng cao, đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí tại những thị trường này. Do đó, trong thời gian tới, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chilê…
Xem thêm: 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2 con số