Sau tết, thị trường xuất khẩu của các ngành hàng nhìn chung có nhiều khả quan, đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, với ngành gỗ thì vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất. Để vận hành nhà máy, giữ chân người lao động, doanh nghiệp ngành gỗ chấp nhận tìm kiếm những đơn hàng nhỏ lẻ, điều chỉnh, thay đổi quy trình sản xuất.
Chăm lo đời sống NLĐ
Hiện nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh cho biết vận hành được nhà máy trở lại sản xuất đã mừng, chứ đừng nói đến chuyện lợi nhuận cao. Mới đây, sau 2 ngày đi vào hoạt động, 1.000 NLĐ tại Công ty TNHH Gỗ Tân Nhật (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) đã quay lại sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, chia sẻ: “Những năm trước, dù thời gian nghỉ tết rất ngắn nhưng NLĐ quay lại làm vệc trong ngày đầu năm đạt khoảng 98%. Năm nay tuy có thấp hơn, nhưng như vậy là mừng rồi, bởi khó khăn bủa vây, công ty đã lường trước việc sẽ có người nghỉ việc, chuyển việc sang ngành nghề khác. Sau một tuần NLĐ không quay lại làm việc, chúng tôi sẽ đăng tuyển dụng lao động”.
Dù nằm trong nhóm công ty sản xuất đồ gỗ lớn nhất tỉnh, nhưng trong năm 2022, Công ty TNHH Gỗ Tân Nhật vẫn có lúc phải cho hơn 1.000 công nhân ngừng việc cả tháng, nhưng vẫn trả đủ lương cơ bản. Khoảng thời gian bố trí cho NLĐ làm việc giờ hành chính, nghỉ 2 ngày cuối tuần vẫn thường xuyên diễn ra. Nguyên nhân là do thiếu đơn hàng sản xuất. Đứng trước khó khăn đó, lãnh đạo doanh nghiệp ngành gỗ không ngừng tìm kiếm đối tác mới từ các nước châu Âu, Mỹ. Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Đầu năm nay công ty đã có nhiều đơn hàng mới. Tuy không được như mọi năm, nhưng có thể duy trì sản xuất cả năm đã là tốt hơn nhiều doanh nghiệp ngành gỗ khác rồi”.
Những lúc khó khăn, thậm chí đi vay tiền để duy trì sản xuất, Công ty TNHH Gỗ Tân Nhật vẫn chăm lo tốt đời sống NLĐ. Cuối năm, NLĐ vẫn nhận đủ lương tháng 13, lì xì, tiệc chia tay. Bước vào sản xuất đầu năm, công nhân được hỗ trợ 500.000 đồng/người tiền tàu xe, tiền lì xì. Các khoản phụ cấp như phụ nữ có con nhỏ, thuê nhà trọ mỗi tháng, ốm đau, bảo hiểm các loại… vẫn được công ty duy trì thực hiện.
Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nội thất Mê Kông (TP. Thủ Dầu Một) đã có nhiều hoạt động thiết thực, gắn liền với đời sống NLĐ. Dù công ty đang gặp khó trong sản xuất, nhưng nhiều tháng nay, hơn 1.000 lao động tại công ty vẫn được chăm lo tốt về thu nhập và các chế độ phụ cấp. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, NLĐ trong công ty vẫn nhận đủ lương, thưởng tết cùng các khoản phụ cấp khác. Ông Trần Sỹ Hiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nội thất Mê Kông, chia sẻ: “Tại công ty chúng tôi, đời sống NLĐ luôn được Ban Giám đốc quan tâm rất chu đáo. Đến nay, chưa có một công nhân nào buộc phải nghỉ việc hay mất thu nhập. Bình quân, mỗi lao động vẫn đạt thu nhập từ 8 – 12 triệu đồng/tháng, có giảm đôi chút so với trước nhưng không đáng kể. Các chế độ khác vẫn giữ nguyên, còn khẩu phần ăn thì tăng thêm để bảo đảm sức khỏe của NLĐ”.
Tin vui đến với NLĐ trong công ty khi ngay đầu năm họ được công đoàn cơ sở thông báo các khoản phụ cấp như mỗi lao động được nhận 8kg gạo/tháng cùng các nhu yếu phẩm khác tương ứng mức phụ cấp từ 300.000 – 900.000 đồng/người/tháng. Từ nguồn quỹ hoạt động, công đoàn cơ sở còn trích một phần dùng làm vốn vay cho những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay gia đình có người ốm đau và không tính lãi…
Sản xuất cầm chừng, chờ thị trường phục hồi
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ: “Ngành gỗ cuối năm 2022 đã khó khăn thì đầu năm 2023 càng khó khăn hơn. Nguyên nhân là hàng tồn kho trong các doanh nghiệp ngành gỗ còn rất nhiều, khách hàng cũng không đặt hàng thêm. Do không có đơn hàng nên đến nay một số doanh nghiệp ngành gỗ chưa hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu tuyển công nhân như mọi năm. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành gỗ như Mỹ, châu Âu đang gặp khó khăn về kinh tế nên không có thêm đơn hàng nào.
Ông Nguyễn Liêm cho biết thêm, dù khó khăn là thế nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ hiểu được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, buộc họ phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân. Tùy vào tài chính của mỗi doanh nghiệp ngành gỗ mà họ có cách hoạt động khác nhau, giữ được lao động nhiều hay ít. “Chúng tôi đã ngồi lại bàn bạc, tìm thị trường mới, có lúc đã tính đến phương án phục vụ thị trường nội địa, nhưng rất khó thực hiện. Bởi nguồn hàng rất nhiều, hơn nữa mẫu mã cũng không phù hợp, mà thay đổi kết cấu, dây chuyền sản xuất là không hề đơn giản, nên buộc phải chờ thị trường phục hồi. Vì NLĐ, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng”.
Để hỗ trợ ngành gỗ duy trì được sản xuất, giữ chân được NLĐ chờ thị trường phục hồi, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để doanh nghiệp ngành gỗ có thêm đơn hàng sản xuất. Đó là mở rộng xúc tiến thương mại thị trường Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc. Về phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đơn vị này vẫn đang tiếp tục nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp ngành gỗ, thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Xem thêm: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ