Vốn là ngành gắn liền với kinh tế sinh thái, công nghiệp ngành chế biến gỗ đang phát triển theo chiều hướng đáp ứng được các mục tiêu của KTTH.
Giải quyết phụ phẩm, phế phẩm ngành gỗ
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn phụ phẩm được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp, trong đó, phụ phẩm ngành gỗ, cấp độ sản xuất hàng hóa là rất lớn. PGS.TS Vũ Huy Đại – Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định, mô hình KTTH trong ngành chế biến gỗ cũng ngày càng phát huy thế mạnh. Những trụ cột chính trong mô hình này là phát triển kinh tế rừng trồng, phát triển kinh tế công nghiệp ngành chế biến gỗ và phát triển hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ. Trong các nhà máy chế biến gỗ luôn có các phụ phẩm chế biến gỗ ở các dạng khác nhau. Khi sử dụng được các phụ phẩm chế biến gỗ, sẽ nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế sản xuất kinh doanh của nhà máy, đồng thời tạo môi trường xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế, việc sử dụng phế liệu gỗ nhằm mục đích cung cấp nhiệt cho lò hơi, nồi hơi thay than đá hoặc dầu đã trở nên phổ biến, nhất là khi phụ phẩm gỗ chiếm khối lượng khá lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty Cổ phần Phú Tài đã tận dụng phụ phẩm từ gỗ làm viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy. Ông Nguyễn Sĩ Hòe – Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, việc tận dụng các phụ phẩm trong chế biến làm chất đốt cho nồi hơi sấy gỗ đã giúp Công ty tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng và doanh thu từ sản xuất viên nén năng lượng đã đưa tổng lợi nhuận tăng 2 – 3%. Công ty hiện đang liên kết với các công ty trồng rừng địa phương, xây dựng nhà máy viên nén năng lượng sử dụng cành, ngọn và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực và các tỉnh lân cận; Thiết lập chuỗi kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn khép kín, từ trồng rừng bao tiêu toàn bộ sản phẩm rừng trồng, chế biến sâu các sản phẩm đồ gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đặc thù của ngành chế biến gỗ là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, phân tán nên đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, làng nghề đã hình thành các cơ sở chuyên thu gom các phụ phẩm chế biến gỗ để tái sử dụng phụ phẩm sản xuất các sản phẩm như viên nén gỗ, ván dăm, ván MDF, giấy và bột giấy. Từ đó đã hình thành mối liên kết giữa các công ty ngành chế biến gỗ với các cơ sở thu mua phế phụ phẩm.
Một số nhà máy lớn, cụm chế biến gỗ đã áp dụng mô hình tận dụng nguyên liệu bỏ trong ngành chế biến gỗ của nhà máy để tạo sản phẩm tái chế ngay tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
Trở thành một khâu trong dây chuyền thế giới
Với nhiều nước trên thế giới, sản phẩm từ phế phẩm gỗ như dăm gỗ, viên nén là nguồn tài nguyên, là đầu vào quan trọng cho nhiều lĩnh vực, tạo ra một nền KTTH, bền vững. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2022, hầu như các mặt hàng gỗ xuất khẩu đều chững lại nhưng riêng giá trị xuất khẩu viên nén 10 tháng năm 2022 đã đạt 602,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ 2021.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, viên nén gỗ được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, lá cây, cành cây nhỏ, đầu mẩu gỗ vụn. Nguồn phế – phụ phẩm này được thải ra từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… Hiện sức mua của thế giới tăng rất cao trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ và khan hiếm. Nhóm nhiên liệu thay thế có tính chất bảo vệ môi trường như viên nén gỗ có thị trường rất lớn.
Theo PGS.TS Vũ Huy Đại, các mô hình KTTH trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành chế biến gỗ đã cho thấy hiệu quả lớn tại Phần Lan, Nhật Bản và một số nước châu Âu, Đây có thể là những bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.
Ưu điểm của sản phẩm ngành công nghiệp gỗ là tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Khi hết vòng đời, sản phẩm của chuỗi có thể tái tạo vòng đời mới, tạo nguồn năng lượng mới thay thế năng lượng tái tạo hoặc phân hủy nhanh, ít gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí làm phân bón hữu cơ cho nông nghiệp và trồng rừng. Bởi vậy, xu hướng của thế giới là sẽ sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới.
Để phát triển KTTH trong ngành chế biến gỗ, cần thiết phải đẩy mạnh các ngành kinh tế lâm nghiệp, bao gồm kinh tế trồng rừng, kinh tế công nghiệp ngành chế biến gỗ. Các ngành này phải phát triển mạnh và song song với nhau, trồng rừng và khai thác tới đâu thì tiêu thụ và chế biến sâu tới đó. Nhà nước cần có cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp là các chủ rừng, phát triển liên kết trồng, khai thác và chế biến tiêu thụ, để từ đó tạo vòng KTTH lớn. Có thể thiết lập khu liên hợp, tổ hợp chế biến gỗ tập trung quy mô lớn; đầu tư, xây dựng các mô hình điểm về KTTH trong chuỗi sản xuất, chế biến gỗ phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp…
Xem thêm: Ngành gỗ dán cần phải thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi