Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó.
Xuất nhập khẩu tháng 11 chậm lại
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 11/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên kết quả khả quan của thời gian trước đã giúp cho 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,5 tỷ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước; xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản chiếm 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%.
Dệt may là một trong những mặt hàng duy trì được kim ngạch xuất khẩu tương đối khả quan. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sự kiện này là dịp để các doanh nghiệp trong ngành cùng nhìn nhận những kết quả đạt được trong năm 2022. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng từ nhiều phía, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 dự kiến vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021.
Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,7% tổng KNXK cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, tháng 11, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, giảm 0,6%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,4 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,18 tỷ USD, tăng 9,6%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 58 tỷ USD, tăng 14,8%; ASEAN ước đạt 43 tỷ USD, tăng 16%; Nhật Bản ước đạt 21,7 tỷ USD, tăng 6,6%; EU ước đạt 14 tỷ USD, giảm 9,2%; Hoa Kỳ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 5%. Nhìn chung, hàng hóa phục vụ nhập khẩu phần lớn đều là nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Tháng 11/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,6 tỷ USD.
Nhận định thách thức trong tháng cuối năm
Theo Bộ Công Thương, khó khăn mà hoạt động xuất khẩu đang gặp phải chính là thị trường bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ta sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường Châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh… khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Chưa kể, hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Theo đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép…; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước… để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.
Xem thêm: Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp Việt đề xuất giải pháp tháo gỡ