Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi tại nhiều địa phương
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, bước sáng tháng 3/2023, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự phục hồi so với tháng trước khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6% so với tháng 2/2023 nhưng so với cùng kỳ có sự giảm nhẹ (giảm 1,6%). Tính chung quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Như TP. Hải Phòng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng là động lực tăng trưởng kinh tế của Thành phố cảng với giá trị tăng thêm tăng 11,97%, đóng góp 5,84 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Với TP. Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2023 khởi sắc hơn so với 2 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2023 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 2,3% so cùng kỳ 2022. Cụ thể, công nghiệp khai khoáng tăng 0,2% so với tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ…
Riêng đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I/2023 tăng 8,2% so với cùng kỳ, bao gồm: ngành hóa dược tăng 22,9%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 18,5%, ngành cơ khí giảm 6,5%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 14,4%.
Nhìn nhận kết quả các địa phương, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương khẳng định, ngay từ đầu năm 2023 đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng và nguồn lao động; tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
“Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.) hoặc ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm (Ninh Bình giảm 31,8%; Trà Vinh giảm 29,3%; Hà Giang giảm 24,9%; Cao Bằng giảm 21,9%…)”- báo cáo chỉ ra.
Đồng hành cùng địa phương thúc đẩy phát triển công nghiệp
Có thể khẳng định, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương các cấp chính quyền địa phương cùng sự năng động, nhạy bén, đối mặt trước khó khăn đã nỗ lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển công nghiệp tại từng địa phương.
Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa…
Theo ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp, thời gian qua mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu về công nghiệp hỗ trợ là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai để các địa phương có thể tham khảo, thực hiện đổi mới một cách hiệu quả. Từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, để giữ được mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp đối với các địa phương đặc biệt đối với các địa phươn có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao cũng không đơn giản.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh “hiến kế’, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, các địa phương cũng cần chuyển mạnh sang kinh tế số và Chính phủ điện tử, công khai minh bạch và có sự kết nối, giao ban, tiếp xúc thường xuyên giữa Chính quyền với doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp cũng chủ động thích ứng với hoạt động sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội tăng trưởng công nghiệp cho các địa phương”- chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Xem thêm: Quý I/2023: 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng