Sáng 17/5, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam và Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam năm 2023.
Doanh nghiệp ngành nhôm đối diện với khó khăn kép
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Kế – Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam – cho biết, hiện trạng ngành nhôm Việt Nam vô cùng khó khăn. Nhu cầu thị trường giảm mạnh, các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt.
Một số doanh nghiệp ngành nhôm trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường. Do đó, cần có biện pháp lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt Nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
“Hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình; đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay”, ông Nguyễn Minh Kế cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Kế, những năm 2016 – 2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến doanh nghiệp ngành nhôm nội địa đã lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc.
Năm 2019, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế tạm thời từ 2,49% đến 35,58%. Quyết định áp thuế chống bán phá giá sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, thời hạn nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đến tháng 9/2023. Các nhà sản xuất nhìn nhận vai trò của thuế chống bán phá giá đối với thị trường trong nước những năm qua.
“Giai đoạn năm 2019 – 2020, việc áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã từng là sự cứu cánh cho các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam trước bờ vực phá sản, mất đi thị trường trong nước. Do đó, các nhà sản xuất cần xem xét lại tình hình hiện nay và thống nhất quan điểm với Hội để đề nghị Bộ Công Thương gia hạn Quyết định thêm 5 năm”, ông Nguyễn Minh Kế chia sẻ.
Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Minh Kế nhắc đến đó là xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá.
Đồng thời, việc chuyển điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh… Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam.
Cùng với vấn đề phòng vệ thương mại, ông Vũ Văn Phụ – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam lo ngại, ngành nhôm Việt Nam đang dư thừa công suất.
Ông Vũ Văn Phụ phân tích, số nhà máy sản xuất nhôm khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm tăng mạnh, khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Quý I/2023, các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30 – 40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn.
“Cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành nhôm, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh”, ông Vũ Văn Phụ đề xuất, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu xây dựng quy hoạch chính sách phát triển ngành; duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước; xem xét cẩn trọng các dự án vốn FDI vào ngành nhôm Việt Nam; giảm thuế xuất khẩu nhôm profile; tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nhấn mạnh bài toán liên kết
Tại hội nghị, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã cùng nhau đóng góp ý kiến, quan điểm về các thách thức trên và đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngành nhôm vượt qua khó khăn. Theo đó, trong bối cảnh doanh nghiệp ngành nhôm vừa phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, việc chuỗi giá trị thông suốt là vấn đề được đặt ra trong ngành.
Về phía Bộ Công Thương, theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, hầu hết doanh nghiệp ngành nhôm mới tập trung ở khâu đầu và khâu cuối, mà để lỡ mất phân khúc ở giữa luyện nhôm do giá thành sản xuất quá cao. Do đó, việc liên kết và chuỗi giá trị của ngành là hết sức quan trọng.
Về kiến nghị cơ quan chức năng duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước, ông Chu Thắng Trung cho biết, theo quy định của pháp luật, mỗi biện pháp phòng vệ thương mại được duy trì được 5 năm. Sau thời gian này, chúng ta sẽ phải xem xét, rà soát xem có tiếp tục gia hạn hay không. Trước thời hạn đó 1 năm, ngành sản xuất trong nước phải có đề xuất lên cơ quan chức năng yêu cầu rà soát lại và duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại. Cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận hồ sơ, rà soát, đánh giá theo đúng quy định, khoảng thời gian này cũng phải mất ít nhất 1 năm, khi đó mới có thể đưa quyết định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc sẽ tiếp tục ra hạn biện pháp chống bán giá hay không?
“Việc gia hạn và mức thuế chống bán phá giá chúng ta không thể quyết định một cách tùy tiện mà phải dựa vào dữ liệu, kết quả điều tra của cơ quan chức năng và thông tin từ các doanh nghiệp ngành nhôm cung cấp”, ông Chu Thắng Trung thông tin.
Khẳng định ngành nhôm vẫn còn dư địa phát triển, tuy nhiên, bà Phạm Châu Giang – Chuyên gia cao cấp Quỹ VinaCapital – cũng nhận diện điểm yếu của ngành nhôm Việt Nam. Theo đó, sản phẩm nhôm của Việt Nam khá giống nhau và tập trung chủ yếu vào sản phẩm nhôm thanh định hình, vì vậy, các doanh nghiệp ngành nhôm chủ yếu cạnh tranh về giá. Do đó, đa dạng hóa sản phẩm là vấn đề cần đặt ra lúc này. Một lợi thế khác của doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam đó là số lượng doanh nghiệp ngành nhôm FDI tham gia mảng ngành hàng này còn hạn chế. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành nhôm trong nước có thể liên kết để cùng nhau sản xuất, chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam là thị trường xây dựng tăng trưởng thứ 4 của khu vực châu Á. Với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng thì vai trò của doanh nghiệp ngành nhôm trong việc chọn sân chơi, lối chơi và nguồn lực của chính doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam năm 2023 (Báo Công Thương)
Xem thêm: 5 thị trường chính nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam